Tối ngày 26/5/2023 (nhằm ngày 8/4/ năm Quý Mão) Chùa Huệ Chiếu VP. BTS GHPGVN tỉnh, Chư tôn thiền đức trang nghiêm nghi lễ Khai kinh mùa khánh Đản.
Sau đó TT. Thích Vạn Nhơn, Ủy Viên HĐTS, Phó BTS, Trưởng Ban Hoằng pháp BTS Phật giáo tỉnh đã đến thuyết pháp nhân ngày Đức Bổn sư Thích ca Mâu Ni Đản sanh với chủ đề “Ý nghĩa và mục đích Phật đản sanh” Đông đảo Phật tử đã đến tham dự.
Thượng tọa đã chia thời pháp thoại thành 3 nội dung để cho đạo trạng dễ hiếu hơn đó là: Hình ảnh đức Phật lịch sử và đức Phật Tôn giáo – Các biểu tướng khi Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh – Người Phật tử chúng ta cần làm gì khi mùa Phật đản đến.
Thượng tọa đã chia sẽ thuyết giảng ngày lịch sử, ý nghĩa sự kiện Đức Phật đản sinh, khi Hoàng hậu Ma Da nằm mộng thấy voi trắng sáu ngà từ hư không giáng xuống chui vào bên hông phải của Hoàng hậu, sau đó Hoàng hậu thọ thai Thái tử. Gần đến ngày mãn nguyệt khai hoa, đoàn tỳ nữ theo hầu Hoàng hậu dạo cảnh Lâm Tỳ Ni, đi đến gốc cây Vô ưu thấy trên cành có một đóa hoa nở đẹp và thơm, Hoàng hậu đưa tay hái hoa thì chính lúc đó đản sanh Thái tử. Ngài bước đi 7 bước rồi đứng lại, mỗi bước đi của Ngài có một bông sen hiện ra nâng gót chân Ngài rồi Ngài tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất rồi cất tiếng dõng dạc: “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn”, với nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có con người chân thật là đáng quý.
Ngài ở trên đỉnh cao quyền lực, nhưng chẳng đam mê lạc thú trần gian, quyết định ra đi tìm đạo. Trước khi xuất gia, Ngài dạo qua bốn cửa thành thấy cảnh già, bệnh, chết và một đạo sĩ. Từ đó, Ngài trầm tư về lẽ sống chết, về thân phận của kiếp người, Trải qua bao năm tháng gian khổ tầm sư học đạo với các nhà tiên tri nổi tiếng, Ngài nhận thấy hiểu biết của họ của chỉ hạn hẹp trong vòng khổ đau, sinh tử của loài người. Vì thế, Ngài đã nỗ lực tìm một cuộc sống vượt ra ngoài tầm chi phối bởi quy luật vô thường. Sau năm năm tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh chốn rừng già, bốn mươi chín ngày đêm thiền định dưới cội cây Bồ Đề, Ngài liền giác ngộ chứng được tam minh gồm: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh cùng Lục thông quảng đại.
Chủ trương tốt đạo đẹp đời để cứu khổ chúng sinh, đạo Phật đã trải qua hơn hai ngàn năm trăm năm lịch sử, đạo Phật chưa từng gây ra cuộc thánh chiến nào cả, vì đạo Phật là đạo của hòa bình, đạo Phật là đạo của con người, vì con người mà thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, Từ đó Đạo Phật đã được Hội đồng Liên hợp Quốc công nhận là Tôn giáo Văn hóa Thế giới, còn gọi là Đại lễ Tam hợp “Ngày đức Phật đản sanh, ngày đức Phật thành đạo và ngày đức Phật nhập Niết-bàn”, từ đó ngày Đại lễ Phật đản Liên hiệp Quốc được gọi là “Đại Lễ Vesak”.
Ngày Phật đản, ngày đại lễ quan trọng nhất cho hàng Phật tử trên khắp hành tinh này hướng về tưởng niệm và đền đáp lại công ơn to lớn và quý báu của đức Từ phụ, chúng ta hãy cố gắng thực hành giáo pháp mà Ngài đã truyền đạt từ bấy lâu nay. Với những ai là Phật tử, dù tại gia hay xuất gia hãy siêng năng thực hành hạnh bố thí, trì giới, tham thiền, hướng tâm đến trí tuệ giải thoát.
Qua bài pháp đã giúp cho Phật tử hiểu được phần nào công đức của Đức Phật. Người đã chỉ ra con đường Tu tập theo Giới-Định-Huệ, hướng tới những giá trị hạnh phúc đích thực giữa cuộc đời. Sự kiện đức Phật đản sanh là bức thông điệp hạnh phúc bước ra khỏi thế giới khổ đau, đánh thức sự hướng tâm vào thế giới an lạc của sự vận hành, xa rời sự chấp thủ và khát ái. Một chân trời tự do mở ra cho những ai còn khát vọng về hạnh phúc, giải thoát mọi khổ đau của cuộc đời. Nơi đây, từ trái tim đến trái tim trong suối nguồn giáo lý đức Từ phụ thấm nhuần từng cõi lòng mọi người. Thật đúng là:
"Hạnh phúc thay, đức Phật giáng sinh
Hạnh phúc thay, giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay, chúng Tăng hòa hợp
Hạnh phúc thay, tứ chúng đồng tu".
Đây cũng là ước mong muôn thuở của đời người có một cuộc sống hạnh phúc an lạc. Khát vọng nóng bỏng của nhân loại ngày nay là một thế giới không chiến tranh, không máu lửa, không hận thù, không giết chóc. Tất cả những thứ ấy đều phụ thuộc vào chính lối sống của con người. Tất cả đang nằm trong chính tư duy, lời nói và việc làm của mỗi chúng ta; vì "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc, là điểm tựa, là sự phân chia các loài hữu tình" . Để từ đây mỗi người Phật tử sẽ tìm được con đường giải thoát cho chính mình, tùy thuộc vào căn cơ, nhân duyên của từng người, chúng ta có thể lựa chọn cho mình một pháp môn tu học phù hợp với mình nhất, nhưng tựu chung lại là làm thế nào để chúng ta có thể thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Tin, ảnh: Công Trí
Ban TT-TT PG Kon Tum